Lợi nhuận nghìn tỷ của những “ông lớn” bất động sản

Sau 6 tháng đầu năm, bức tranh thị trường bất động sản (BĐS) đã lộ dần “quán quân” về lợi nhuận cũng như không ít rủi ro đối với những doanh nghiệp (DN) đổ vốn khủng đầu tư.

Dự án Vinhomes Grand Park dự đoán trong tương lai sẽ mang về lợi khủng cho Vinhomes

Dự án Vinhomes Grand Park dự đoán trong tương lai sẽ mang về lợi khủng cho Vinhomes

Lợi nhuận “vượt mặt” ngân hàng

Niêm yết trên thị trường chứng khoán từ tháng 5 năm nay nhưng “tân binh” Vinhomes đã công bố lợi nhuận 6 tháng tới 9.854 tỷ đồng, vượt xa các DN khác cả trong và ngoài ngành, kể cả khối ngân hàng. Trong đó, riêng doanh thu chuyển nhượng BĐS trong quý II đã mang lại cho doanh nghiệp 4.947 tỷ đồng, tăng 3.869 tỷ đồng, tương đương với 359% so với cùng kỳ năm 2017 chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Central Park và Vinhomes Green Bay. Trong quý II, Vinhomes đã giới thiệu ra thị trường 3 dự án mới là Dự án Vinhomes West Point tại Hà Nội, Vinhomes Star City tại TP Thanh Hóa và Vinhomes New Center tại TP Hà Tĩnh. Với hàng loạt dự án BĐS đang kinh doanh và sắp triển khai, Vinhomes nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ ngôi quán quân lợi nhuận trên trong một thời gian dài nữa. Theo thông tin trong bản cáo bạch, Vinhomes dự kiến đạt 21.971 tỷ đồng trong năm 2018 và 33.581 tỷ đồng trong năm 2019.

Cũng là “tân binh” trên sàn chứng khoán, đến hết quý II/2018, Công ty CP KOSY báo doanh thu tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2017 lên hơn 321 tỷ đồng và lợi nhuận tăng mạnh 3 lần lên 27,2 tỷ đồng do doanh thu BĐS đang trong quá trình hoàn thiện và bắt đầu ghi nhận doanh thu. Riêng trong quý II ghi nhận doanh thu tăng vọt 333,2% và lợi nhuận cũng tăng mạnh 112,8%.

Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) cho biết, tính đến ngày 30/6, doanh thu thuần toàn tập đoàn đạt gần 5.200 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt trên 205 tỷ đồng. Riêng quý II đã đóng góp 2.987 tỷ đồng vào doanh thu thuần (gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2017) và hơn 66 tỷ đồng lợi nhuận (gấp 3 lần cùng kỳ 2017) chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh BĐS tăng mạnh.

Công ty CP Tập đoàn CEO cũng thông báo doanh thu thuần tăng mạnh trong 6 tháng năm nay lên 402 tỷ đồng nhờ bán được hàng, giúp tổng lợi nhuận tăng gấp đôi lên 213 tỷ đồng. Lợi nhuận trong hai quý còn lại của công ty này dự kiến sẽ khả quan bởi với hàng loạt dự án được đẩy nhanh tiến độ và được bàn giao như dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, dự án Khu nghỉ dưỡng 5 sao kiểu Mỹ nằm trong Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Villas & Resort, dự án River Silk City (Hà Nam), dự án Sunny Garden City (Quốc Oai, Hà Nội)…

Tăng vốn, tăng nợ

Qua 6 tháng đầu năm, hàng loạt DN BĐS cũng ghi nhận nợ tăng mạnh cả ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn như FLC, nợ ngắn hạn của công ty tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng lên 17,6 nghìn tỷ đồng và nợ dài hạn cũng tăng từ gần 2,8 nghìn tỷ đồng lên hơn 3,2 nghìn tỷ đồng kéo theo chi phí lãi vay dài hạn tính đến 30/6 phát sinh hơn 126 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng nợ ngắn hạn, dài hạn của đơn vị này là hơn 20 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 8,6 nghìn tỷ đồng.

KOSY cũng có nợ phải trả lên tới 438,5 tỷ đồng, gần bằng vốn chủ sở hữu là 475,5 tỷ đồng.

Trước đó, những DN trên đều tìm tới giải pháp tăng vốn điều lệ nâng quy mô phát triển. Cụ thể, Tập đoàn FLC tăng từ 3.150 tỷ đồng năm 2014 lên 8.400 tỷ đồng năm 2015; KOSY năm 2018 tăng lên trên 1.000 tỷ đồng và kế hoạch năm 2019 tăng lên 2.000 tỷ đồng…

Văn Phú Invest là một trong những DN BĐS có tốc độ tăng vốn “chóng mặt” nhất. Theo đó, năm 2008, vốn điều lệ ban đầu của công ty này chỉ là 45,8 tỷ đồng. Hơn 9 năm sau, tính đến tháng 7/2017, vốn của Văn Phú tăng 35 lần thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, từ 45,8 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Riêng lần tăng vốn “khủng” trước thềm niêm yết, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7/2017, Văn Phú Invest tăng vốn mạnh gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1.600 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vốn tăng khủng nhưng qua 6 tháng đầu năm lại ghi nhận, doanh thu thuần bán hàng của DN này lại giảm từ 534 tỷ đồng cùng kỳ 2017 về còn hơn 51 tỷ đồng năm nay. Lợi nhuận trước thuế chứng kiến sự sụt giảm từ 332 tỷ đồng về còn 7,1 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và chi phí lãi vay phát sinh trong 6 tháng qua của Văn Phú Invest đã ngang với vốn chủ sở hữu là hơn 2 nghìn tỷ đồng.

angialand.com.vn

Rate this post