Lo tìm 1 triệu tỷ đồng đầu tư hạ tầng

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC), trong giai đoạn 2015-2030, thành phố cần khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) đầu tư cơ sở hạ tầng.

Lo tìm 1 triệu tỷ đồng đầu tư hạ tầng  Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC), trong giai đoạn 2015-2030, thành phố cần khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhiều bất cập trong đầu tư hạ tầng

Tại hội thảo “Các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tần, TPHCM trong giai đoạn 2016- 2030, do Sở Giao thông Vận tải và Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) tổ chức chiều 7/7, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng cơ chế phân bổ ngân sách hiện tại rất bất cập.

Tổng chi ngân sách so với GDP gần 23% nhưng TPHCM – địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhất nước chỉ có 9,5% (bao gồm các đơn vị sự nghiệp tự thu tự chi). Nếu tính ngân sách ròng của thành phố thì chỉ khoảng 7%. “TPHCM đang ở vị trí hết sức bất lợi do nguồn thu ngân sách được giữ lại quá ít” – ông Du nói.

“TPHCM nên xem xét các phương thức khai thác giá trị từ đất một cách hợp lý để gia tăng nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng và không nên quá kỳ vọng, cần cẩn trọng với mô hình hợp tác công – tư (PPP) vì khu vực Châu Mỹ Latin đã phải trả những bài học hết sức đắt giá”.

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng để bảo đảm tốc độ tăng trưởng 1%, tốc độ tăng đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu phải 2%. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, TPHCM đã đưa ra tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm tới dự kiến là 55.630 tỷ đồng, chỉ tăng 3,32%. Đây là một sự bất cập giữa yêu cầu thoái vốn ngân sách cho đầu tư với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông Lịch cũng cảnh báo không chỉ thiếu hụt nguồn lực, TPHCM có không ít sai lầm, bất cập trong đầu tư hạ tầng. Kinh tế TPHCM là kinh tế đô thị. Lợi thế gắn với kinh tế TPHCM là cầu và cảng vì vậy, quyết định di dời các cảng năm 2002, xây dựng cảng mới ở Cát Lái (quận 2), Hiệp Phước (Nhà Bè) là bất cập về kết cấu hạ tầng.

Cần cơ chế

Theo TS Trần Du Lịch, dự kiến tổng đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn ngân sách cho TPHCM trong 5 năm tới chỉ đạt 85.630 tỷ đồng. Nếu đề xuất trung ương nâng tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TPHCM lên cao hơn thì rất khó. Vì vậy, TPHCM cần đẩy mạnh xã hội hoá. Vấn đề này TPHCM đã đột phá cách đây 15 năm, khi cho phép chuyển nhượng quyền khai thác hai con đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương.

Nhà nước đầu tư 700 tỷ đồng nhưng chuyển nhượng được 1.000 tỷ đồng và dùng nguồn thu này để tái đầu tư. “TPHCM cần xin cơ chế tự chủ để tạo nguồn thu chứ không phải đi xin cò kè bớt một thêm hai về vấn đề trung ương mỗi năm thêm bao nhiêu, bớt bao nhiêu” – ông Lịch nói.

TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Công nghiệp TPHCM đề xuất ngoài nguồn vốn ODA và vốn đầu tư 100% nước ngoài (FDI), TPHCM cần nghiên cứu giải pháp đổi đất lấy hạ tầng như đã thành công tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, TPHCM cần nhân rộng hình thức bán đấu giá đất mặt tiền trong khu vực như trường hợp đường Nguyễn Hữu Thọ. Nguồn vốn từ hình thức bán đấu giá mặt tiền không những trang trải được toàn bộ chi phí xây dựng mà còn đem lại nguồn vốn để đầu tư cho công trình hạ tầng khác.

Rate this post